Tin Mới
Loading...

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Tản mạn Lý con sáo

Có lẽ không có một làn điệu dân ca nào của Việt Nam lại phong phú, đa dạng và phồn thịnh như Lý con sáo. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ Bắc chí Nam đã có hơn 30 điệu Lý con sáo, từ Lý con sáo Phú Thọ đến Lý con sáo Bạc Liêu (*)… Một con số ấn tượng và mang nhiều ý nghĩa về tính phổ cập, tính truyền miệng, tính dị bản và đặc biệt là tính truyền thống của điệu lý này với tư cách là một sản phẩm đích thực của văn hóa, văn nghệ dân gian.


Có lẽ không có một làn điệu dân ca nào của Việt Nam lại phong phú, đa dạng và phồn thịnh như Lý con sáo. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ Bắc chí Nam đã có hơn 30 điệu Lý con sáo, từ Lý con sáo Phú Thọ đến Lý con sáo Bạc Liêu (*)… Một con số ấn tượng và mang nhiều ý nghĩa về tính phổ cập, tính truyền miệng, tính dị bản và đặc biệt là tính truyền thống của điệu lý này với tư cách là một sản phẩm đích thực của văn hóa, văn nghệ dân gian.
Điều kì diệu của hàng chục bản khác nhau của điệu Lý con sáo, đó là tất cả đều xuất phát từ hai dòng lục bát của bài ca dao nổi tiếng: Ai đem (đưa, mang) con sáo sang sông; Để cho (cho nên) con sáo sổ lồng bay xa. Lư Nhất Vũ - Lê Giang, tác giả bộ chuyên khảo Tìm hiểu dân ca Nam bộ đã tôn vinh một cách chuẩn xác và nồng nhiệt về điệu Lý con sáo rằng: Trong lịch sử âm nhạc chắc chưa có hiện tượng nào cùng một đề tài xuất xứ, từ hai câu ca dao mà có tới hàng chục làn điệu với sắc thái khác nhau và muôn màu muôn vẻ!
Điều đầu tiên làm nên nét độc đáo nói trên là ở nội dung tiềm ẩn sự bùng nổ ngữ nghĩa của bài ca dao, qua đó sinh ra hiện tượng bội thu về số lượng điệu Lý con sáo.
Có ít nhất hai phương diện ngữ nghĩa tiêu biểu của nội dung bài ca dao này. Một là diễn tả sự phản kháng, nói như một vài ý kiến thiên về sắc thái chính trị thì đây là tiếng nói tận thẳm sâu đáy lòng của tầng lớp dân đen, luôn tìm cách sang sông, sổ lồng, bay xa, nghĩa là không chấp nhận kiếp nô lệ, thân phận bị áp bức, vùng lên tự giải phóng, tìm cho mình chân trời mới tươi đẹp, hạnh phúc. Hai là ghi nhận biến cố đặc biệt của người con gái đi lấy chồng, kiểu như nhạc sĩ Trần Tiến đã hiểu và vận dụng một cách đa chiều trong ca khúc Ngẫu hứng sông Hồng hay như nhạc sĩ - ca sĩ Nhất Sinh viết khá cụ thể trong ca khúcChim sáo ngày xưa… Điều này cũng thường xuất hiện trong khẩu ngữ giao tiếp cũng như thành ngữ mang tính ẩn dụ kiểu: con sáo sang sông, con sáo sổ lồng, con sáo bay xa… Dù hiểu ở khía cạnh ngữ nghĩa nào thì nội dung bài ca dao cũng đụng đến những vấn đề lớn mang tính phổ biến và lan tỏa, đó là số phận, cuộc đời tầng lớp người lao động nói chung và người phụ nữ nói riêng trong xã hội cũ. Và vì thế, rất dễ hiểu khi bài ca dao được hóa thân vào điệu lý này một cách mãnh liệt và mang tính cộng hưởng sâu sắc! Tôi thiên về khuynh hướng ngữ nghĩa thứ hai, bởi như vậy ít mang tính suy diễn, gán ghép và nội dung bài ca dao được hiểu một cách gần gũi, mộc mạc với đời sống tình cảm của người bình dân hơn. Hiểu như vậy thì nội dung bài ca dao, trước hết như là một lời bày tỏ của chàng trai thất tình ở chốn làng quê bên dòng sông, khi người con gái mình yêu đã theo lời rủ rê của chàng trai xứ khác mà sang sông, sổ lồng, bay xa… Một lời trách cứ đầy yếm thế, phảng phất chút bi kịch! Cái mô - típ bi kịch nhẹ nhàng ấy như là một nguồn cảm hứng phổ biến trong văn hóa dân gian. Và đó là một trong những lí do quan trọng khiến điệu Lý con sáo ra đời, lưu truyền, nhân bản và phổ biến rộng rãi khắp mọi miền.
Hình tượng (hình ảnh) con chim sáo, đàn chim sáo cũng là một lí do khiến điệu lý này trở nên hùng hậu đội ngũ như thế. Trong dân gian, chim sáo gắn với đồng ruộng, với người nông dân, với cảnh thanh bần chốn quê mùa trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam. Môi trường đó cũng chính là nơi sản sinh, nuôi dưỡng những làn điệu dân ca từ bao đời nay. Chim sáo cũng là một loại thiên cầm thường được con người thuần dưỡng để dạy hót, dạy phát âm… nên gắn bó sâu sắc với đời sống tinh thần của nhiều gia đình nông thôn Việt Nam. Điều đó giải thích vì sao hình ảnh con chim gần gũi này đi vào làn điệu lý một cách triệt để như vậy.
Về mặt cấu trúc âm nhạc, trên cơ sở bài ca dao gồm 2 dòng lục bát 6/8 có nội dung tư tưởng mang tính khái quát và phổ biến như vậy, sẽ khác với nhiều điệu lý khác, Lý con sáo dễ hình thành ngay một tác phẩm âm nhạc thuộc thể một đoạn đơn gồm hai câu nhạc. Bằng đặc trưng siêu phàm của các điệu lý, Lý con sáo cũng vậy, mở rộng khuôn viên đón một cách hào phóng nhưng có qui tắc những tập hợp từ ngữ đệm, chèn (tạm gọi là thành phành bổ trợ)… khiến cấu trúc của của nó trở nên hoàn hảo đến độ tinh xảo. Tuy vậy, ở mỗi điệu Lý con sáo của một địa danh, một vùng đất, bên cạnh sự khác nhau về giai điệu, tiết tấu, tập hợp từ ngữ thuộc thành phần bổ trợ cũng có sự khác nhau cơ bản, thể hiện sự độc đáo của mỗi vùng miền. Xét một cách thuần túy về phương diện âm nhạc, chính thành phần bổ trợ này là một trong những yếu tố làm nên sự khác biệt cơ bản giữa các điệu Lý con sáo khi tất cả đều bắt đầu và căn cứ vào một bài ca dao làm ca từ. Xin nêu 3 ví dụ minh họa theo 3 kiểu bổ trợ tạm gọi là ơ ợ, i hi, húm hum sau đây:
1. Ai đem con sáo (này ơ ợ là sông cái) qua sông (bớ em ôi, dạ ừ vậy phải đó thê); Cho nên con sáo sổ lồng bay xa (đồn rằng tang tình bớ mà… bay xa).
2. Ai mang (là mang) con sáo (là túm phải tính là linh tình tinh ô lình tình tang ì hi hi sáo sang sáo) sang sông (tình ai mang con sáo sang sông ì hi hi i hì hì tình ai mang con sáo sang sông ì hi hì); Để cho (là cho) sáo đổi (là túm phải tính à linh tinh tinh ô lình tình tang ì hi hì sổ sổ sô) sổ lồng (sổ lồng) sáo bay (ì hi hi i hì hì sổ sổ lồng con sáo bay ì hi hì).
3. Ai (ai) đem (ai đem bằng) chim sáo (ummm hum húm hum sàng sang sáng sang) sang sông (ai đem chim sáo sang sông tình bằng sang sông ummm hum húm hum tình bằng sang sông ummm hum húm hum); Cho (cho) nên (cho nên bằng) chim sáo (ummm hum húm hum sổ sô số sô) sổ lồng (cho nên chim sáo sổ lồng tình bằng) bay xa (ummm hum húm hum tình bằng bay xa ummm hum húm hum).
Tính phổ biến và phổ cập cũng là một đặc trưng độc đáo của Lý con sáo. Có lẽ nhờ vậy mà nhạc sĩ Việt kiều Nguyễn Lê Tuyên đã dàn dựng cho một dàn hợp xướng hàng trăm học sinh trung học Australia biểu diễn thành công Lý con sáo Bạc Liêutại xứ sở Kanguru này. Đã có không ít tác phẩm nổi tiếng đặt lời lời mới dựa trên các điệu Lý con sáo mà ca khúc thiếu nhi Vui bước trên đường xa (theo điệu Lý con sáo Gò Công) của Hoàng Lân là một ví dụ tiêu biểu. Cũng đã có không ít ca khúc tân nhạc ảnh hưởng sâu sắc bởi điệu Lý con sáo mà Đàn sáo Hậu Giang của Trần Long Ẩn, Buồn con sáo sậu của Minh Vy hay Nỗi buồn chim sáo của Đynh Trầm Ca… là những minh họa sinh động nhất.
Để chọn một điệu lý tiêu biểu nhất trong kho tàng các điệu lý Việt Nam nói riêng, dân ca Việt Nam nói chung (theo kiểuquốc lý?!), chắc chắn Lý con sáo sẽ là ứng cử viên hàng đầu bởi những lí do phân tích ở trên. Sự tỏa chiết và khuếch đại về âm nhạc cũng như ý tưởng nhân văn từ điệu lý này làm nên nét độc đáo hiếm có trong bản sắc văn hóa người Việt. Và đó chính là cốt cách thiêng liêng mà muôn đời hậu thế phải trân trọng, gìn giữ và phát huy.


__________
(*) 4 bài Lý con sáo trung du Bắc Bộ trong hát ghẹo; 3 bài Lý con sáo Bắc trong hát Quan họ Bắc Ninh và hát trống quân; 1 bài Lý con sáo Thanh Hóa; 4 bài Lý con sáo Bình - Trị - Thiên; 2 bài Lý con sáo Quảng (Nam Trung Bộ) và hơn 10 bài Lý con sáo Nam bộ.
Tao Đàn ( Hội VHNT)

Chào bạn, nếu có bất kỳ thắc mắc nào bạn có thể để lại ý kiến, mình sẵn sàng hồi đáp khi nhận được ý kiến của bạn. Trân trọng cảm ơn!
Nhận xétEmoticon